-
03/12/2024 10:04:00 PM
-
Đã xem: 22
-
Phản hồi: 0
Sinh ra và lớn lên tại vùng ngoại ô Hà Nội, nhạc sĩ Tiến Hùng, giáo viên Trường Tiểu học Tân Lập A, huyện Đan Phượng, Hà Nội, Giám đốc đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Biểu diễn Bách Hùng, có một tình yêu lớn với Thủ đô. Vậy nên khi trở thành một thầy giáo dạy nhạc, nhạc sĩ, 1 Giám đốc …Tiến Hùng đã ấp ủ, thai nghén nhiều ca khúc lãng mạn, tình cảm, tha thiết về mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Tôi đã gặp và khá thân quen với nhạc sĩ Tiến Hùng từ những năm 1997 – 1998 khi chúng tôi cùng chung lớp học hát tại Đài Tiếng nói Việt Nam (số 58, phố Quán Sứ, Hà Nội) do biên tập viên Hoàng Cúc phụ trách. Trong lớp học hát khoảng 60 học viên, Tiến Hùng kém tôi 4 tuổi nên gọi tôi là chị. Ấn tượng về cậu học trò ( khi đó Hùng đang học trường THPT chuyên ban Đan Phượng) có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhảu, hay nói, hòa đồng với mọi người và đặc biệt rất nhiệt tình được thể hiện là trong nhiều năm Hùng toàn đạp xe đạp từ nhà ở Đan Phượng ra Đài Tiếng nói Việt Nam học hát có cự ly hơn 20 Km.
Sau khi học hết cấp THPT Tôi cũng đã xin việc cho Hùng để vừa làm vừa ôn thi, kết quả thật bất ngờ khi Hùng đỗ 3 trường: 01 trường đại học (khoa Quan hệ Quốc tế) và 2 trường Cao đẳng. Tiến Hùng đã lựa chọn khoa sư phạm Âm nhạc trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội để theo đuổi đam mê của mình. Tôi nhớ hôm nhập trường Hùng còn mời cả lớp từ trung tâm Hà Nội về Đan Phượng liên hoan.
Trong thời gian Hùng đi học chúng tôi vẫn tham gia lớp học hát, thật nhỡ ngàng và bất ngờ khoảng 2 năm sau, cả lớp học hát lại được mời lên tận Thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ để xem chương trình ca nhạc riêng của Hùng với tên gọi “Tiến Hùng với những tình khúc sáng tác”, đêm nhạc là những ca khúc đầu tay được các bạn sinh viên thể hiện mang màu sắc tự sự, trữ tình.
Bẵng đi nhiều năm do lớp học hát tại Đài TNVN giải thể, chúng tôi cũng mất liên lạc, thì vài năm gần đây một hôm Tiến Hùng vào nhà tôi tìm và gặp được Bố Mẹ tôi, vậy là chị em kết nối với nhau. Tôi được Hùng khoe : “ Chị ơi ! Sau khi học xong cao đẳng, em đã theo học Đại học sư phạm Hà Nội từ năm 2005 đến 2009. Giờ sau 23 năm sáng tác âm nhạc giờ em đã được công nhận là nhạc sĩ chuyên nghiệp! Hiện giờ em là Hội viên chuyên ngành sáng tác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội”.
Tôi đã nghe hơn 20 ca khúc do Nhạc sĩ Tiến Hùng sáng tác bài nào cũng được đầu tư khá kỹ lưỡng về phối khí, thu thanh, ca sĩ… quả thật càng nghe càng thấy cuốn hút bởi sự hòa quyện của giai điệu, tiết tấu, hòa thanh, ca từ… Theo tôi những ca khúc ngoài sự “ sạch sẽ, sáng sủa” thì bài nào cũng tạo nên cá tính của tác giả.
Nhạc sĩ Tiến Hùng (tên đầy đủ là Nguyễn Tiến Hùng) sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha mẹ làm nông nghiệp tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Dù gia đình không có ai theo con đường nghệ thuật nhưng ngay từ nhỏ đã thích nghe chương trình ngâm thơ, hát chèo trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, chính điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến phong cách sáng tác của Tiến Hùng là nhạc dân gian và dân gian đương đại.
Trong các ca khúc viết về đề tài Hà Nội miền quê nhưng miền quê Đan Phượng, mảnh đất Hà Nội chiếm số lượng đáng kể, như: “Đan Phượng yêu thương” “ Đan Phượng Giáo dục vàng son”( hai bài phỏng thơ Nguyễn Xuân Cửu), “Đan Phượng quê hương anh hùng”, “Khúc ca trường Tân Lập A”, “Khúc ca của chúng tôi” ( Viết cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục Thường xuyên Đan Phượng), những ca khúc này được biểu diễn nhiều lần trong các kỳ cuộc lớn của huyện như Lễ đón nhận Huân chương Độc Lập, Đại hội Mặt trận Tổ quốc huyện, các cuộc thi nghệ thuật của huyện, của Thành phố và đạt nhiều giải cao. Bài hát “Tân Hội” sáng tác về quê hương (phỏng thơ Nguyễn Danh Điều) được nhân dân trong xã đánh giá là ca khúc đã bao trọn cả nỗi niềm, tình yêu đất và người nơi đây. Ngoài ra, các ca khúc “Xuân Đỉnh vang mãi bài ca”, “ Xúc cảm thu Hà Nội”, “Cơn say” đã đạt giải thưởng âm nhạc của Hội Âm nhạc Hà Nội năm 2017. “Bắc Từ Liêm ngày mới” đoạt Giải Khuyến khích trong Cuộc thi sáng tác ca khúc chào mừng 10 năm ngày thành lập Quận Bắc Từ Liêm. Ca khúc “ Hà Nội thu về” phỏng thơ : Mai Khoa đã được Nhà xuất bản Âm nhạc tuyển trọn trong tập “ 1000 Ca khúc Thăng Long Hà Nội” phát hành năm 2010 trong dịp Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, Điều làm tôi ấn tượng nhất là ca khúc “ Xem hội múa bồng” phỏng thơ : Nguyễn Trọng Văn, bài hát mang âm hưởng dân gian đương đại, viết về điệu múa “ Con đĩ đánh bồng” ở làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bài hát có cái “tưng tửng, lả lơi” về giai điệu, tiết tấu lẫn ca từ. bài hát đã được nhiều ca sĩ thể hiện trong các cuộc thi giọng hát hay của Thành phố.
Nhạc sĩ Tiến Hùng là người viết khá đa dạng về các chủ đề : Viết cho thiếu nhi và ngành giáo dục có thể kể đến các bài “Chú gà gọi xuân”, Tây Tiến Trường em ( 2 ca khúc phổ thơ Bảo Ngọc) “Khóa 91 -94 Lê Hồng Phong (Lời Thượng tá Nguyễn Hồng Hạnh), “Nghe Ông Kể chuyện Điện Biên”, “ Vì học sinh vùng sâu vùng xa” ( hai bài phỏng thơ : Nguyễn Thành Long), “ Khúc ca trường Lý Tự Trọng- Lào Cai”, đặc biệt là bài hát “Tắm mưa” mang đậm chất dân gian đương đại.
Tác giả còn viết về nhiều địa phương khác như các bài: “Gia Lộc yêu thương” (Lời Trung tướng Đoàn Hùng Sơn) “Xứ Lạng trong tôi”, “Lời ru quê mẹ Hưng Yên”, “Về Thịnh Long hôm nay”( lời Hoàng Nam)…Những ca khúc này được sử dụng rất nhiều ở các địa phương mà anh đã sáng tác bởi bài hát đã nói hộ những tình cảm của con người nơi đây.
Tiến Hùng còn tỏ ra khá có duyên với những sáng tác về đề tài Công an nhân dân. Trong sự nghiệp đã giành một số giải thưởng, như: Giải C của Trại sáng tác ca khúc và múa về đề tài Công an nhân dân và bình yên cuộc sống năm 2022 của Bộ Công an với ca khúc “Âm vang lời Bác” (Lời Trung tướng Đoàn Hùng Sơn), giải A tại Cuộc thi sáng tác về đề tài Ngoại tuyến nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Cục với ca khúc “Khúc ca đoàn quân trung hiếu” lời Hoàng Nam, “ Ngoại tuyến tôi yêu” lời Thượng tá Nguyễn Hồng Hạnh ), Bình yên cửa khẩu Cam Ranh, lời Hoàng Nam ( 2 bài được Truyền hình ANTV giới thiệu) Học viện Cảnh sát Nhân dân…
Ngoài ra Tiến Hùng còn có tác phẩm như: Tự hảo Kiểm ngư Việt Nam ( viết năm 2014, được báo điện tử của Bộ thông tin và Truyền thông giới thiệu, Truyền hình Nhân dân phát sóng).
Tiến Hùng quan niệm “Chủ đề nào cũng đáng để viết, quan trọng người nhạc sĩ tiếp cận, khai thác ở góc độ, khía cạnh nào, muốn viết được tác phẩm hay điều đầu tiên người nhạc sĩ phải hiểu thế nào là hay, tác phẩm vang xa tới công chúng phải có giai điệu đẹp, tính nhạc cao, nốt thấp nhất và nốt cao nhất trong bài không quá rộng, Tiến Hùng thích tạo cá tính cho bài hát nên các bài thường nhảy quãng 7, quãng 10 trong khi cả bài nốt thấp nhất và cao nhất chỉ là quãng 11, lời ca nên reo vần, nhẹ nhàng, sâu lắng, giàu hình tượng, tránh dông dài, tào phào, không đi theo đi theo lối mòn của các nhạc sĩ khác”.
Thạc sĩ Trần Vĩnh Linh, chủ nhiệm khoa thanh nhạc trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội nhận xét : “Những sáng tác của Tiến Hùng rất sinh động, lãng mạn mang đầy hoài niệm, tình yêu với quê hương, đất nước. Quê hương bên dòng sông Hồng, sông Đáy, với những triền đê, bãi cỏ xanh mướt đã đi vào trong âm nhạc của anh một cách nhẹ nhàng, sâu lắng. Âm nhạc của Tiến Hùng luôn thấm đẫm chất dân gian”.
Chúc cho Nhạc sĩ Tiến Hùng luôn giàu cảm xúc để sáng tác những tác phẩm hay cho Thủ đô và Đất nước.
Chúng tôi trên mạng xã hội